Với taxi, hiệp hội cho rằng đây là loại hình vận chuyển hành khách chở nhiều người, luân chuyển hành khách trên một phương tiện cả ngày nên không đánh đồng vào phương tiện cá nhân mà nên đưa vào loại hình vận tải hành khách công cộng để địa phương quản lý quy hoạch có kế hoạch hạn chế, đầu tư điểm đỗ, bến bãi, ưu đãi với các loại phí.
Hiệp hội vận tải thành phố Hà Nội vừa có bản kiến nghị gửi Bộ GTVT, các cơ quan có thẩm quyền và các tổ chức chính trị xã hội xem xét tháo gỡ khó khăn của các doanh nghiệp vận tải liên quan đến việc thực hiện thu phí bảo trì đường bộ, đồng thời đề xuất cấm ô tô cá nhân giờ cao điểm để chống ùn tắc…
Bản kiến nghị được gửi đến Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Đoàn đại biểu QH Hà Nội, HĐND TP Hà Nội, UBND TP Hà Nội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội và Sở GTVT Hà Nội.
Bất ngờ với việc thu phí bảo trì
Tại bản kiến nghị, Hiệp hội cho biết những người làm vận tải rất bất ngờ và chưa chuẩn bị tâm lý, tài chính để thực hiện Nghị định của Chính phủ về phí bảo trì đường bộ (sẽ được thực hiện từ ngày 1/6/2012 tới đây).
Theo Hiệp hội, có một điều “không thuận”, đó là khi Thủ tướng Chính phủ ra Nghị quyết số 30 về việc “đơn giản thủ tục hành chính” (nếu đề án được thực hiện thì có lợi cho doanh nghiệp vận tải, giảm thiểu thủ tục giấy tờ), hạn định đến 30/3/2011 phải xong. Tuy nhiên, dù Bộ GTVT đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến các Sở, Ngành, các Hiệp hội vận tải, nhưng đến nay “các doanh nghiệp vẫn mỏi mắt trông chờ”, trong lúc đó, việc thu tiền của các doanh nghiệp thì “nói là làm ngay”.
Việc thu phí ngay lập tức sẽ làm cho doanh nghiệp khó khăn
Cho rằng, để có sự đồng thuận xã hội, giảm và giãn gánh nặng cho người dân, Hiệp hội đề nghị các cơ quan “tiên lượng” trước để thực hiện các văn bản pháp luật có hiệu quả, "đừng để phải lùi thời hạn hiệu lực như bằng FC, lắp đặt GPS"…
Hiệp hội cũng đánh giá, việc thu phí ngay lập tức sẽ làm cho doanh nghiệp khó khăn bởi vì điện vừa tăng, xăng dầu cũng tăng, trước ngày 1/7 phải lắp đặt xong thiết bị giám sát hành trình (mỗi đầu xe gần 7 triệu đồng), thu ngay thì doanh nghiệp rất khó khăn.
“Ai đã làm vận tải thì mới thông cảm: lái xe lam lũ một nắng hai sương, ráo mồ hôi là hết tiền, dừng xe là hết tiền. Có ai làm giàu được nghề xe đâu? Vốn hầu hết vay ngân hàng. Nếu không đủ tiền nộp phí thì xe không được lưu hành, hàng hoá xuất nhập khẩu ách tắc, công nhân lái xe thất nghiệp thì hậu quả khôn lường” - Bản kiến nghị viết.
Theo Hiệp hội, phí Bảo trì đường bộ thực hiện ngay sẽ có tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh, đến các doanh nghiệp vận tải và sự đồng thuận của xã hội. Nếu lùi thời gian thực hiện, giảm một phần mức phí, đảm bảo sự bình đẳng công bằng thì sẽ tạo nên sự đồng thuận xã hội.
Do đó, Hiệp hội đề nghị lùi thời gian bắt đầu thu phí đến 1/1/2013 để cơ quan nhà nước chuẩn bị quy trình thu phí và chủ phương tiện chuẩn bị tài chính. Mức thu phí năm 2013 bằng 60% mức đề nghị hiện nay và phấn đấu sang năm 2014 thu phí bằng thẻ, xe chạy nhiều thu nhiều để đảm bảo công bằng.
Đề xuất cấm ô tô cá nhân giờ cao điểm
Liên quan đến phí lưu thông trong nội đô, Hiệp hội vận tải TP Hà Nội cho biết, Bộ GTVT đã đưa 2 loại phí là phí hạn chế phương tiện cá nhân và phí hoạt động trong giờ cao điểm. Nếu có “lộ trình” thì thời gian còn dài, nếu là giải pháp “cấp bách” để giảm bớt ùn tắc giao thông thì Hiệp hội đề xuất phương pháp.
Phương pháp thứ nhất, đó là cấm ô tô là xe cá nhân, taxi hoạt động trong một số tuyến phố dễ ùn tắc trong giờ cao điểm. Cá nhân nào cần đi trong giờ cao điểm thì xin cấp giấy phép vào phố cấm, ngoài giờ cao điểm đi lại tự do như xe tải nhỏ.
Phương pháp thứ 2 là cấm xe ô tô vào vanh đai 1, tiếp theo cấm vào vành đai 2, xe ngoài vành đai 3 tự do hoạt động.
“Việc cấm xe máy chắc phải 5-10 năm nữa mới thực hiện được khi hạ tầng giao thông được cải thiện. Bây giờ cấm xe máy thì dân đi bằng phương tiện gì? Bây giờ có tăng thêm xe buýt thì không có đường cho xe buýt chạy và cũng không có vốn đầu tư. bến bãi tập kết, xưởng sửa chữa bảo dưỡng, nhân lực…” - Bản kiến nghị viết.
Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội đề xuất cấm ô tô cá nhân giờ cao điểm
Theo Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội, phí lưu hành trong phố cấm chỉ thực hiện khi sử dụng chip tài khoản, người dân phải làm quen với sử dụng thẻ từ để đảm bảo công bằng và thuận lợi, giảm bộ máy quản lý, xe chạy nhiều đóng nhiều, xe tải trọng lớn đóng cao hơn xe nhỏ.
Trước mắt, Hiệp hội đề nghị Thành phố cho Hiệp hội thuê đất ở một số khoang gầm cầu: từ Linh Đàm - Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng để làm điểm đỗ taxi và xe du lịch.
Theo Hiệp hội, phí Bảo trì đường bộ về cơ bản đồng thuận xã hội, nhưng phí lưu thông nội đô còn nhiều vấn đề cần cân nhắc, nhất là tính công bằng xã hội, tính minh bạch.
“Bà con ở Ba Vì, Phú Xuyên nói: Chúng tôi có xe nhưng có vào nội đô đâu mà mỗi năm phải đóng 20 triệu trở lên và hàng năm tăng thêm 5% nữa. Sát nhập về Hà Nội mới chịu “quả” này!” - Bản kiến nghị trích dẫn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét